Hàng loạt video clip ghi lại cảnh “yêu” xuất hiện ồn ào trên mạng. Sống thử trở thành chuyện “xưa rồi Diễm” khi những người nổi tiếng cũng gián tiếp hay trực tiếp thừa nhận mình sống thử.

Thế rồi người lớn tự hỏi có phải bạn trẻ bây giờ quá thoáng và biến tình yêu thành vật trưng bày cho người xem tha hồ ngắm nghía?

“Bất thụ bất thân” - bản nháp hôn nhân

Nhại theo câu nói của người xưa “nam nữ thụ thụ bất thân”, một bộ phận bạn trẻ bây giờ tếu táo “nam nữ bất thụ bất thân” với lời giải thích: “Thời bây giờ ai mà yêu chay... Yêu mà chỉ nắm tay, ôm hôn rồi thôi đã bị tuyệt chủng rồi. Sống thử còn cũ xì nữa là...”.

Không ít người nổi tiếng đã xuất hiện trên báo để khẳng định trực tiếp hoặc gián tiếp về việc sống thử trước hôn nhân. Không biết có phải vì định kiến xã hội bây giờ đã quá thoáng hay không mà cái nhìn của người trẻ về sống thử không còn gay gắt như trước nữa.

Thanh Hằng, 28 tuổi, một nhà thơ, nhà báo, chia sẻ: “Tôi đã đăng ký kết hôn nhưng chưa làm lễ gia tiên, chưa ra mắt tiệc cưới như truyền thống, nhưng tôi vẫn sống cùng với người yêu tôi và chúng tôi xem đây là cuộc sống thử. Tôi ủng hộ sống thử vì nó làm mình thoải mái, không thấy bị ràng buộc bởi chữ “phải” thế này thế nọ...”.

My Kiều, nhân viên truyền thông, chia sẻ: “Sống thử là một cách để xem người đó có phù hợp không. Không phù hợp cũng không mất quá nhiều thời gian cho chuyện ly dị, con cái, gia đình...

Tuy nhiên, sống thử chỉ phù hợp với người đủ chai lì trước dư luận, kể cả chấp nhận hậu quả, vì nếu sống thử không thành sống thật thì phụ nữ là người thiệt thòi hơn nam giới”.
 
Trong tình yêu nên “thoáng” đến mức nào? (Ảnh mang tính minh họa)
 
Trên Facebook của người viết bài có thăm dò về quan điểm: “Có chấp nhận sống thử không?”, những ý kiến trả lời đồng ý chiếm tỉ lệ áp đảo đáng kể. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cảnh báo: “Nếu đủ dũng cảm để chấp nhận hậu quả thì cứ thử!”.

Cũng có ý kiến đáng quan tâm: “Đừng cho rằng sống thử không có hậu quả với nam giới. Đó là sự chai sạn cảm xúc, sự mất lòng tin và mất cảm giác tôn trọng với phụ nữ nếu sống thử có kết cục rạn vỡ”. Một ý khác dung hòa hơn: “Thoáng trong chừng mực, không sống thử và dám tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình”.

“Tài tử phim yêu” và hậu họa

Từ sự cởi mở trong cách nhìn về sống thử của một bộ phận khá đông đảo người trẻ đã dẫn đến một sự cởi mở khác - nguy hiểm hơn, đáng cảnh báo về giá trị đạo đức và lối sống của một bộ phận nhỏ giới trẻ - là ghi hình cảnh ái ân của mình, rồi sau đó vì một lý do nào đó đoạn băng ghi hình ấy xuất hiện trên mạng Internet và lan tỏa với tốc độ tên lửa.

Có người bị bạn tung hình ảnh, video lên mạng, có người bị chính người yêu của mình, sau khi hết yêu đã thực hiện những hành động tệ hại trên để trả đũa.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Hùng chia sẻ quan điểm: “Tôi cho rằng phải lên tiếng cảnh báo về mức độ thoáng đến... lạnh sống lưng của những người trẻ trong cái nhìn về tình yêu, hôn nhân hiện nay. Họ không biết rằng mình làm “tài tử nghiệp dư đóng phim yêu” chỉ vài phút mà hậu họa để lại dài lâu, thậm chí cả đời”.

Có câu danh ngôn đại ý so sánh mỗi người là một cuốn sách hấp dẫn, và cuốn sách ấy thu hút người khác giới khi họ chưa khám phá hết bí mật của nó. Thoáng đến cỡ nào trong tình yêu là câu chuyện mà những người trong cuộc, hơn ai hết, chính là những người có câu trả lời đích xác nhất cho riêng mình.

Tuy nhiên, có thể khẳng định càng thoáng và càng cởi mở đến mức chuyện riêng tư cũng cho cả bàn dân thiên hạ dòm ngó, đàm tiếu theo kiểu quay video cảnh yêu là hành động đáng cảnh báo và không bao giờ nên làm.

Trước khi kẻ phát tán bị pháp luật nghiêm trị, những người trong cuộc đã bị chính tòa án lương tâm phán xét và xã hội có cái nhìn không tôn trọng.

Theo Tuổi trẻ

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT