(VietNam7) Chuyện nhân tài bỗng nóng lên sau hội thảo “Công tác nhân tài ở Việt Nam” được Ban Tổ chức Trung ương Đảng tổ chức ngày 6/9 tại Hà Nội. “Nóng” lên, thực chất là hâm lại một nan vấn nhiều năm qua đang tìm lời giải.
Có thể dẫn lời ông Hồ Đức Việt, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, người chịu trách nhiệm cao nhất về công tác dùng người (trong đó có người tài) năm năm vừa qua: “Không ít người tài đã không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí thích hợp. Chính sách đãi ngộ đối với nhân tài trong điều kiện mới cũng chưa phát huy được tác dụng, chưa thu hút được nhiều người có tài”. Người vừa thôi chức nói về thực trạng lĩnh vực mình phụ trách như thế chắc có cơ sở và đủ tin cậy.
Nhân tài thì thời nào cũng hiếm (như lá mùa thu) và thời nào cũng được chuộng (ít nhất là trên lý thuyết). Nhưng vấn đề đầu tiên là nhìn nhận cho đúng người tài, là nhân tài, biết rõ được người tài cần cái gì để phát huy cái tài của mình rồi mới dẫn tới việc cầu hiền, cầu tài đúng đắn, không vàng thau lẫn lộn, không bị các vị “bằng giả”, cơ hội hay “con ông cháu cha” nhảy vào xí phần, chấm mút, gây ra tình trạng vàng thau lẫn lộn, đảo lộn giá trị, mối nguy hiểm bậc nhất cho bất kỳ xã hội nào.
Thiên tài thì dễ thấy vì đó là của hiếm trời cho, là tinh tú, dù người trần mắt thịt cũng dễ nhận ra, kẻ bất tài cũng khó tiếm vị. Nhưng người tài thì lẩn khuất trong thập loại chúng sinh, tiềm ẩn khó lường, thường được dùng thì mới có điều kiện thi thố, thử thách mà được coi là người tài. Không được dùng thì lại như cái bát mẻ vứt bờ ao. Người tài có đủ mặt khắp mọi lĩnh vực, mọi tuổi tác, từ vị giáo sư đến người thợ, từ cụ già gần miệng lỗ đến em học sinh thần đồng, từ kẻ có bằng cấp hẳn hoi đến anh Hai Lúa mới thoát nạn mù chữ. Tuy khó thế nhưng tạm có hai cách cơ bản để sàng lọc bước đầu là qua thi cử, phỏng vấn nghiêm nhặt hoặc qua kết quả thực tế của công việc. Tất nhiên, phải giả thiết rằng thi cử là nghiêm túc, không chạy không mua hoặc sự đánh giá thành tựu thực tế cũng khách quan như thế.
Hãy phân tích thực trạng vị nguyên Trưởng ban Tổ chức của Đảng vừa nêu ra. Tại sao “không phát hiện được người tài”? Vì người tài thường có phẩm chất tự trọng, tự tin, họ tin vào cái tài của mình như Lý Bạch luôn tin “thiên sinh ngã tài tất hữu dụng” (Trời cho ta cái tài này tất sẽ được dùng), họ không xin việc cũng có người mời, không có người mời cũng có thể tự sống khá. Vì dân vì nước, nhiều khi họ cũng tự tiến cử. Thế nhưng không như kẻ bất tài quỵ lụy xin từ cái giải thưởng đến huân chương! Bởi thế phải có “mắt xanh” mới nhìn ra họ. Còn vì sao người tài “không được trọng dụng hoặc bố trí vào chỗ thích hợp”? Nếu lấy câu chữ tài liền với chữ tai hay chữ tật thì hiểu ngay. Với cách sàng lọc được ưa chuộng hiện nay, với tệ mua quan bán chức lan tràn thì người tài (thường có tật mà tật nguy hiểm nhất là hay hoài nghi, phản biện) đã rơi đài ngay khi chọn chức tổ trưởng! Còn vì sao “chính sách đãi ngộ chưa thu hút được người tài”? Bởi vì hai bên chưa hiểu nhau. Người rải thảm đỏ nhầm tưởng rằng người tài thích đi thảm đỏ. Cũng nhầm tưởng họ ham lương cao bổng hậu, nhà cao cửa rộng. Không, người tài (từ anh Hai Lúa đến vị giáo sư) tuy ai cũng mong có cuộc sống vật chất khá giả, nhưng điều họ yêu quý hơn là sự tôn trọng, cởi mở và tri kỷ của người muốn dùng cái tài của mình; sự tự do suy nghĩ, sáng tạo và đặc biệt là được lắng nghe những lời nghịch nhĩ, thẳng thắn từ trái tim chân thành và bộ óc “có tài” của họ.
Nhân tài hiếm nhưng không thiếu nếu có mắt xanh vì dân vì nước cầu hiền chứ không vì lợi ích cục bộ, cá nhân. Và quan trọng hơn là biết người tài cần gì. Nếu không, thảm đỏ chỉ đón được kẻ cơ hội mà thôi.  

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT