(VietNam7) Ngày 9-9, tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear cho biết ông có 3 ưu tiên lớn tại Việt Nam: hợp tác kinh tế, quan hệ đối tác chiến lược và giáo dục
Tại cuộc họp báo quốc tế đầu tiên ngày 9-9 tại Hà Nội, tân Đại sứ David Shear bày tỏ ông đã bị “ hút hồn” về cảnh sắc cũng như tấm lòng hiếu khách của người Việt Nam và những món ăn ngon khi ông đến thăm Việt Nam cùng gia đình với tư cách là du khách từ năm 2007. Đại sứ cho biết giờ đây, với tư cách Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông sẽ  cố gắng đi được càng nhiều càng tốt và gặp gỡ thật nhiều người Việt Nam.

Tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam



Ưu tiên hàng đầu: Hợp tác kinh tế
Đại sứ David Shear cho biết ưu tiên lớn nhất là tiếp tục gia tăng hợp tác kinh tế, đặc biệt trong xuất khẩu giữa hai nước, nhằm tạo nhiều công ăn việc làm. Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ làm hết sức mình để gia tăng xuất khẩu sang Việt Nam  trong khuôn khổ các sáng kiến xuất khẩu của Tổng thống Barack Obama và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán giữa hai bên. 
Tân Đại sứ Mỹ David Shear tại buổi họp báoĐại sứ cho biết kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA) được ký kết giữa hai nước năm 2001, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 18,6 tỉ USD, tăng gấp 20 lần so với thời kỳ đầu. Mục tiêu của ông sắp tới là duy trì đà tăng trưởng này và thảo luận với Chính phủ Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư giúp gia tăng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam cũng như giúp các nhà đầu tư Mỹ đã có mặt ở Việt Nam.
Ưu tiên thứ hai mà Đại sứ David Shear đặt ra là củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược. 
Khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sang thăm Việt Nam vào tháng 10-2010, bà đã đề xuất hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên đã có mối quan hệ ngoại giao, quốc phòng vững mạnh. “Công việc của tôi là xác định mối quan hệ này là gì, hai nước muốn gì và với nhịp độ ra sao để tăng cường mối quan hệ đó. Quan hệ Việt-Mỹ có nhiều cơ hội lớn” - ông nói.
Ưu tiên thứ ba của tân đại sứ là giáo dục. “Người tiền nhiệm  M. Michalak của tôi đã đặt ưu tiên rất cao cho giáo dục và đây cũng là ưu tiên của tôi. Tôi mong muốn thấy nhiều sinh viên Việt Nam hơn sang học ở Mỹ và tôi sẽ làm việc với các đối tác Việt Nam để góp phần tăng cường năng lực cho hệ thống giáo dục Việt Nam” - đại sứ hứa hẹn.
“Điều chúng tôi muốn làm với đối tác Việt Nam là xây dựng lòng tin. Cơ sở cho một mối quan hệ tốt, có hiệu quả và tính cộng tác lâu dài là lòng tin. Mỹ luôn muốn xây dựng lòng tin với đối tác Việt Nam” - ông nhấn mạnh.
Mỹ phản đối đe dọa vũ lực trên biển Đông
Về mối quan hệ giữa Việt Nam  - Mỹ và Trung Quốc, tân Đại sứ Mỹ nói: “Không có gì quan trọng hơn là hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và không có gì hơn là có một mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam  - Mỹ và Trung Quốc. Chính sách ngoại giao của Mỹ cũng hướng tới điều đó”.
Về tình hình ở biển Đông, ông David Shear nói: “Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra văn bản cho biết Mỹ ủng hộ nỗ lực của tất cả các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông để giải quyết các tranh chấp không cưỡng ép, bắt buộc. Mỹ phản đối đe dọa sử dụng vũ lực của bất cứ nước nào. Mỹ chia sẻ một số lợi ích quốc gia với một số nước ở biển Đông và bất cứ một sự cố nào gây ra vấn đề về an ninh hàng hải, bao gồm quyền tự do đi lại, phát triển kinh tế sẽ làm Mỹ quan tâm. 
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Trong ảnh: Công ty Sonion Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: TRƯỜNG SƠN -HỒNG THÚYMỹ không có quan điểm về những lời tuyên bố chủ quyền ở các vùng biển và đất ở biển Đông nhưng kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền  tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản về Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Mỹ ủng hộ tuyên bố giữa Trung Quốc và ASEAN về Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) năm 2002 và thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Đại sứ Mỹ cũng phủ nhận việc Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam mà chỉ bán các loại vũ khí không gây chết người và phòng thủ trên cơ sở xét từng trường hợp. “Quan hệ quốc phòng song phương được cải thiện đáng kể trong 2 năm gần đây. Hai bên đã nhất trí rằng hai bên hợp tác về an ninh hàng hải, cứu trợ, nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, giao lưu giữa hai quân đội” - ông nói.
Khi tôi gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào ngày 21-8, ông nói tiếng Anh tương đối tốt và ông đưa ra thách thức với tôi là trong các cuộc họp sau 3 năm tôi làm việc tại Việt Nam, chúng tôi có thể nói với nhau bằng tiếng Việt. Tôi đã chấp nhận lời thách thức này và hiện tôi đang nỗ lực để không bị thua.
Đại sứ Mỹ David Shear
Bích Diệp/Người lao động

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT