Bên Tây, bên Tàu người ta sống khác mình, ai lại đem phim ảnh áp vào đời sống vợ chồng. Nhưng cứ sau mỗi cảnh phim nóng, anh Vinh lại muốn cùng vợ làm y chang...

“Yêu” theo phim
Cơm nước xong, Hồng Ngọc đang rửa chén thì anh chồng đi ngang bếp, thủ thỉ vào tai vợ: “Tối nay ngủ sớm em nhé, anh có quà cho em đấy?” Nghe đến từ “quà”, Ngọc không vui mà còn lo sợ thấp thỏm.
Dọn dẹp xong, bước vào phòng ngủ, anh Vinh, chồng chị đã ngồi sẵn trên giường: “Em vào đây, hôm nay anh tuyển được cái đĩa này hay tuyệt, anh phải tìm mua khắp mới được đó”. Nói xong, anh chồng nhanh tay cho cái đĩa vào đầu DVD. Trong khi chồng há hốc miệng mồm, xuýt xoa với những tư thế trên màn hình, chị vợ thẹn ơi là thẹn.
Bên Tây, bên Tàu người ta sống khác mình, ai lại đem phim ảnh áp vào đời sống vợ chồng. Nhưng cứ sau mỗi cảnh phim nóng, anh Vinh lại muốn cùng vợ làm y chang. Thương chồng nên chị Ngọc phải chiều theo. Mỗi đêm là một cảnh phim với một tư thế mới. Suốt một năm ròng kể từ ngày cưới, chị Ngọc phải liên tục chiều theo ý chồng, dù rằng với chị những kiểu chăn gối đó chẳng có ý nghĩa gì, đôi khi chúng làm chị đau muốn khóc.
Một lần, chị Ngọc la thất thanh vì vùng kín bị xuất huyết, hai vợ chồng phải đến bệnh viện trong đêm, may mà vết thương chưa sâu lắm. Sau tình huống không ngờ đó, anh Vinh bớt sáng tạo những kiểu chăn gối theo phim ảnh. Nhưng thi thoảng dăm bữa, nửa tháng, anh lại mang về nhà khi tập sách, lúc đĩa phim, bảo vợ “nghiên cứu” thử.
Chị Ngọc dở khóc dở cười hỏi chồng: “Sao anh cứ thích bắt chước phim ảnh thế? Có gì hay ho đâu?” Anh lập tức phản bác: “Có em là người thiển cận, chứ người ta làm phim để làm gì? Là để cho những người như vợ chồng mình xem đấy”.
Khi chồng thành... “ồ pa”
Phim ảnh ngày nay đầy rẫy những cảnh yêu đương lãng mạn, phổ biến là những chuyện tình trong phim Hàn. Đây cũng là ước mơ của các cô vợ trẻ người Việt. Mê mẩn một chuyện tình nào đó, ngất ngây trước lối ứng xử của nhân vật nam trong phim, hoặc bị vẻ đẹp thiên thần của nhân vật nữ cuốn hút, nhiều bà vợ cứ thế mà đem họ vào trong cuộc sống gia đình mình.
Một lần trò chuyện với một đồng nghiệp nam, anh Hoàng Nam, 32 tuổi, buồn rầu thổ lộ: “Vợ tôi mê phim Hàn Quốc, cứ nhìn chồng là gọi “ồ pa”! Trong nhà mọi vật dụng từ bàn ghế đến giường ngủ cũng được xếp đặt theo phong cách Hàn.
Bữa ăn nào nhà tôi cũng có kim chi, thịt nướng, trứng đúc, canh rong biển, buổi sáng không ăn kim pap, mì lạnh thì cũng mì gói nấu kim chi... tôi ngán đến muốn bỏ chạy luôn! Vì cô ấy mới mang bầu ba tháng nên cô muốn gì tôi chiều theo, nhưng tối nào vợ cũng thủ thỉ bên tai “con gái mình đặt tên Hiếu Kiêng (tên nhân vật nữ chính trong phim Mối tình đầu), con trai mình đặt tên Minh Ho (theo tên diễn viên Lee Min Ho) anh nhé, em quyết định rồi đấy!” Vợ tôi bệnh mất rồi!”
Bắt chước cũng phải đúng liều
Tiến sĩ Trần Thị Thu Mai, phó trưởng khoa tâm lý – giáo dục, đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ: “Nhiều cuộc khảo nghiệm tâm lý xã hội đã xác nhận bản thân con người không chỉ có khuynh hướng bắt chước hành vi của người khác mà còn bắt chước cả tư duy, khái niệm và quan điểm của người khác nữa.
Làn sóng phim Hàn hiện nay ở Việt Nam mà điển hình là dòng phim tâm lý xã hội với cốt truyện gần gũi, dàn diễn viên trẻ đẹp, diễn xuất tốt đã đẩy phim nước này lên vị trí độc tôn trên các kênh sóng của các đài truyền hình. Hiện tượng vợ chồng “diễn” giống như trong phim Hàn, nhiều người nghĩ cũng là cách giúp tình yêu trở nên lãng mạn, bay bổng như trong phim.
Trong thực tế, tình yêu cần chất “phụ gia” này để không bị chai sạn, nhàm chán. Trong đời sống vợ chồng, nếu bắt chước phim để thay đổi, để hoàn hảo hơn trong mắt vợ (chồng) mình, để có sự quan tâm đến nhau nhiều hơn, để có những lời nói ngọt ngào và động viên nhau trong cuộc sống hối hả, phức tạp ngày nay thì ta nên làm. Nhưng bắt chước đúng liều lượng, biết tinh tế chắt lọc để phù hợp với chính mình, thì cuộc sống vợ chồng mới thêm thi vị và nồng ấm”.
Theo SGTT

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT