Anh bộ đội bảo: "May mà gặp người tốt như bác không em chết mất, em làm bên hậu cần, vừa đi nhận tiền về phát lương cho bộ đội. Trong này là hơn… 2 tỷ".

Người tốt chỉ còn ở miền quê nghèo?



Những ngày vừa qua, câu chuyện về hai người nông dân nghèo ở Nghệ An nhặt được món tiền khổng lồ (300 triệu đồng) nhưng không lấy một đồng mà đã chạy đôn, chạy đáo tìm chủ nhân túi tiền để trả lại, đang “đốt nóng” nhiều diễn đàn trong nước. Các thành viên cộng đồng mạng coi đây là một câu chuyện “cổ tích” và bày tỏ sự cảm phục trước lòng tốt của hai người nông dân. 


Thành viên tranthuy0101, diễn đàn Webtretho.com không giấu nổi sự ngỡ ngàng và xúc động trước câu chuyện trên: “Đọc xong thấy vui hơn, thêm niềm tin vào con người hơn… Đời cũng còn nhiều người tốt lắm!”.


Nhưng phải chăng, những câu chuyện “cổ tích” như trên chỉ có thể xảy ra ở các vùng quê xa xôi, nơi người dân vẫn còn giữ được đức tính thật thà, chất phác, chưa bị lòng tham của cải vật chất làm mờ mắt?
Anh Đinh Văn Thanh, người nhặt được 300 triệu và trả lại người đánh mất. Ảnh: Dân Trí.
Thành viên huynhkimshin, diễn đàn Chiplove.biz, nhận xét: “Mình cũng quê lên nên biết. Người dân quê chân chất như cục đất, có miếng ăn hay gì điều san xẻ cho nhau, đoàn kết lắm. Không như trong thành phố hôm trước đọc cái vụ một người bị cướp giật rớt bọc tiền mà cả bầy người ào vô hôi của, mặc cho người đàn ông khốn khổ ngồi đó... Thật tội nghiệp”.

Trong câu chuyện ở Nghệ An, câu tục ngữ “đói cho sạch, sạch cho thơm” đúng đắn hơn bao giờ hết. Thành viên thangkala bày tỏ: “Bác ý mặc nguyên cái quần rách mà nhặt được số tiền như vậy vẫn trả lại. Mình mặc quần đẹp có chắc đã trả không? Thật đáng suy nghĩ”.

Những chuyện cổ tích nơi phố thị

Từ câu chuyện của hai bác nông dân Nghệ An, các hành viên cộng đồng mạng kể lại rất nhiều câu chuyện về lòng tốt mà mình đã gặp trong đời thường ở ngay chốn thị thành, nơi mà tưởng như lòng tốt của con người khó có thể cưỡng lại sự cám dỗ của ham muốn vật chất.

Giữa tháng 6/2011, một vụ "hôi tiền" xảy ra ở TP HCM đã khiên dư luận hết sức phẫn nộ. Trong vụ việc này, một người đân ông đã bị giật rách giỏ tiền khi đang đi trên đường. Những người gần đó đã ào ra giữa đường vơ vét số tiền bị rơi ra trước sự bất lực của nạn nhân. Ảnh: Tuổi trẻ.

Quanvh, một thành viên có uy tín trên diễn đàn Linkhay, kể lại câu chuyện: “Trước đây, một bác thợ xây nhà cho nhà mình, trên đường đi làm, nhặt được một cái vali. Thật ra, bác ý không biết trong đó có gì đâu. Nhưng mà bác này không tham nên ghé quán nước ngồi chờ người đến nhận lại. Khoảng 30 phút sau có một anh bộ đội đến xin lại và đưa cho bác 200.000 đồng cảm ơn nhưng bác ý không lấy. Và anh bộ đội đó bảo: "May mà gặp người tốt như bác không em chết mất, em làm bên hậu cần, vừa đi nhận tiền về phát lương cho bộ đội. Trong này là hơn… 2 tỷ".

Thành viên này bình luận tiếp: “May mà báo chí chưa biết chứ biết thì bác ý còn nổi tiếng hơn ý chứ. Và có đợt mình đi xe máy bị rơi ví, có một thanh niên đuổi xe theo trả lại và vẫn chưa kịp nói câu cảm ơn... Nhưng những người tốt như vậy giờ hiếm quá!”.

Thành viên buihunghai nhớ lại một câu chuyện mà mình là nhân chứng trực tiếp: “Tối hôm đó, em chuẩn bị cưới vợ, hai vợ chồng vừa đi lấy được 10 triệu tiền tiết kiệm để chuẩn bị đặt nhà hàng với mua sắm đồ cưới. Rút xong tiền, hai đứa ra ngồi uống nước gạo rang ở đầu Trần Phú, loáng quáng thế quái nào trả tiền nước xong em lại đút ví ra ngoài quần... Hic hic, uống xong đưa vợ về nhà, mới phát hiện rơi mất. Hai vợ chồng xoắn hết cả lên, không biết làm thế nào...".

Đang loay hoay, tự dưng hơn 10h đêm lại có điện thoại. Có một chị gọi điện hỏi có đúng số điện thoại của anh Hải không. Em nói đúng, chị ấy nói có nhặt được cái ví, tìm thấy trong đó có cái hóa đơn điện thoại cố định nên gọi thử. Đúng thì lên phố Quang Trung nhận lại ví... Úi giời, mừng hơn cả bắt được vàng. Chị ấy trả nguyên cả ví và tiền. Em lấy 1 triệu để cám ơn nhưng chị ấy không lấy. Nài nỉ mãi thì chị ý đồng ý nhận một tờ 50.000 đồng để lấy may... Ở đời có những con người phúc đức thế. Từ đó em cũng đỡ… hư hẳn ra”.

Gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy?

Thành viên ManU4ever kể lại một câu chuyện trái ngược, và cũng là một bài học để đời về quy luật nhân quả: “Đợt Tết đi Big C mua quần áo, nhặt được một sập tiền gồm 15 tờ 100.000 đồng ở dưới móc quần áo, không biết của ai vì không có ví. Đang định mang ra cho người quản lý thì thằng bạn bảo mang cho nó là nó cầm luôn, chứ chắc gì trả lại người mất, nên mình chia cho thằng bạn một nửa. Tưởng Tết đến có lộc, ai dè qua Tết, mất luôn cái điện thoại E71 mới mua giá gần 3 triệu. Đến giờ đã qua 5 tháng và mất tiếp 3 cái điện thoại nữa... Từ giờ sợ nhặt được tiền rồi, nhặt được bao nhiêu thì mình mất gấp bấy nhiêu lần…”.

Thành viên KIRA_KIRA_KIRA (Webtretho) nhận định, những câu chuyện đời thường ấy đã tiếp cho mọi người thêm niềm tin vào tình người và cũng là tấm gương sáng cho bài giảng về đạo đức: ở hiền gặp lành, phúc sẽ đến với những người tốt.

Những câu chuyện tốt đẹp trong xã hội không thiếu, nhưng có vẻ chúng ít khi được báo chí nước nhà quan tâm. Thành viên dangtheluanbn tỏ ra không hài lòng với điều này: “Những trường hợp như người tốt trả lại 300 triệu đồng thì báo chí ít nêu gương. Mấy ca sỹ, chân dài mất ví 300 triệu đồng thì cứ thấy rao nhan nhản”.
Theo tường thuật của báo Dân Trí:

Trưa ngày 14/5, anh Đinh Văn Thanh và người em rể là anh Đậu Thiên Tĩnh (thôn Phú Hậu, Diễn Tân, Diễn Châu, Nghệ An) đi chở rơm về thì thấy cái cặp da bên vệ đường. Giữa trưa, nắng chang chang, cả đoạn đường chẳng thấy một bóng người nên anh Tĩnh nhặt lấy cái cặp vứt lên xe đem về, nếu ai mất thì trả lại. Về nhà, hai anh em mở ra mới tá hỏa, trong đó toàn tiền là tiền. Phải mấy trăm triệu chứ chẳng ít.

"Nhặt được tiền mà hai anh em cuống lên như thể mình vừa làm điều không hay. Cũng chẳng kịp xem có bao nhiêu tiền, hai anh em tìm xem có thông tin gì về chủ nhân cái cặp này không. Lôi hết mọi thứ trong cặp ra, hai anh em mới thấy cuốn sổ tay nhỏ xíu. Lần giở cuốn sổ thấy ghi: Nguyễn Hữu Tác - Phó Chỉ huy quân sự xã Diễn Tân, hai người mới thở phào như mới trút được gánh nặng", anh Thanh kể.

Sau khi nhận được tin báo, ông Tác tức tốc đến nhà anh Thanh để xin nhận lại chiếc cặp da. Sau khi “làm một bài kiểm tra”, anh Thanh và anh Tĩnh vui vẻ giao cho ông Nguyễn Hữu Tác chiếc cặp da với đủ 300 triệu đồng không xê xịch một xu.

Sau khi nhận lại được số tiền trên, ông Tác đã nhận hai anh em Thanh - Tĩnh làm anh em kết nghĩa.
Theo ĐVO

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT