(VietNam7) “Người ta cứ bảo cầm bằng giỏi thì dễ xin việc nhưng thực tế chưa chắc đã diễn ra như vậy!”, đó là kinh nghiệm xương máu mà T nhận thấy khi tấm bằng đỏ của T đã nhuốm đầy những giọt mồ hôi mặn chát...
Sở hữu hai tấm bằng đỏ (Tốt nghiệp loại giỏi)  để trở thành bà chủ của một quán trà đá vỉa hè, tốt nghiệp loại ưu ngành Lịch sử cũng nhập viện tâm thần, ba bằng ĐH cũng thất nghiệp và gia nhập đội quân bệnh nhân tâm thần…những giọt mồ hôi mặn chát đang lăn tròn trên những tấm bằng đỏ của không ít tân cử nhân.

Rớm máu trên những con đường hoa hồng

Cầm tấm bằng tốt nghiệp sau 3 – 4 năm ngồi trên ghế giảng đường, nhiều cựu sinh viên háo hức bước vào cuộc sống mới mong muốn được cống hiến cho công việc để thực hiện ước mơ mà bấy lâu nay mình ấp ủ. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng như suy nghĩ. Nhiều người để với được đến ước mơ của mình đã chấp nhận đi đường vòng thậm chí tiến lên bằng những nghề lao động phổ thông “tầm thường” nhất.

Nhớ về những ngày đầu tốt nghiệp loay hoay giữa cuộc sống nơi phố thị Nguyễn Duy Bình (ĐH Văn hóa) chia sẻ: “Chẳng mấy ai biết được rằng sau khi tốt nghiệp chờ nhận bằng để mưu sinh mình đã từng đi làm phu hồ trong 2 tháng, rồi sau đó loay hoay với biết bao công việc không tên”.

Hy vọng lớn lao từ những tấm bằng đỏ nhưng "bập" vào thực tế lại hoàn toàn trái ngược (Ảnh PLVN)

Tâm sự về con đường mưu sinh của mình sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, anh Tiến Việt đang là chuyên viên kinh doanh cho một công ty trên đường Hai Bà Trưng cho biết: “Dù chỉ là một chuyên viên kinh doanh nhưng trước khi đến được với vị trí này tôi chỉ là một nhân viên “chạy bàn” tiếp thị sản phẩm kinh doanh của công ty. Có những lúc bị xúc phạm khi nghĩ bằng cấp mình còn hơn nhiều người đang làm xếp nhưng rồi nhận ra mình đang ở đâu nên mình đương đầu và chấp nhận.”

May mắn khi vừa ra trường, cũng sở hữu trong tay tấm bằng loại khá chuyên ngành công nghệ nên Vũ Văn Linh đã được nhận ngay vào một công ty thiết kế đồ họa nhưng “dở” là công ty có thời gian thử việc 1 tháng đối với những nhân viên học việc “lính mới” như Linh.

Và để có thể có được một chân trong công ty Linh chấp nhận làm việc “không công”. Anh bảo: “Đó thực sự là một cơ hội đối với những sinh viên mới ra trường như mình. Làm việc không công nhưng lại phải cố gắng hết mình để thể hiện được khả năng. Trong số gần 10 người tham gia thử việc đợt đó thì có đến hơn nửa phải bỏ cuộc vì áp lực công việc nhưng lại không được hưởng một sự hỗ trợ từ công ty. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sờ sợ”.

Gần đây câu chuyện của Ngô Thị Phương T (23 tuổi, quê Thái Nguyên),  chủ nhân của hai tấm bằng đỏ chuyên ngành Kế toán và chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang mưu sinh bằng quán trà đá trên đường Nguyễn Khang (Quận Cầu Giấy) đã làm dấy lên nhiều câu hỏi, nhiều dư luận xung quanh việc mưu sinh của chủ nhân những tấm bằng Đại học dẫu là bằng đỏ đầy vinh dự và hãnh diện.

Đọc bài viết “Những nẻo đường bị tâm thần do… thất nghiệp ở thủ đô” – Thu Hòe (Đăng trên VTC News ngày 27/7) nhiều người cũng không khỏi giật mình đến đau xót với Hoài Th (22 tuổi – Bắc Giang), tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành Lịch sử - Trường ĐH KHXH & NV (ĐH Quốc Gia HN), một thanh niên 26 tuổi (Quảng Ninh) thậm chí có trong tay 3 bằng ĐH (1 bằng ĐH Kinh tế, 1 bằng ĐH Luật, 1 bằng ĐH Mỏ - Địa chất) nhưng cánh cửa cuối cùng cho họ lại là bệnh viện Tâm thần . Hy vọng lớn lao từ những tấm bằng đỏ nhưng “bập” vào thực tế lại hoàn toàn trái ngược đã khiến cho những cử nhân rơi vào cú sốc tinh thần quá lớn.

Tấm bằng đỏ mặn chát

Chấp nhận trở thành bà chủ quán trà đá với chục chiếc ghế nhựa, phích nước nóng, thùng đựng đá, giỏ đựng cốc kèm vài chai nước ngọt, gói kẹo lạc, kẹo cao su, thuốc lá... cái T muốn có được là ở những vị trí Kiểm toán viên, nhân viên phòng nguồn vốn, kinh doanh nguồn vốn, thanh toán...

Vì thế dù đã từng đi làm cho một ngân hàng với vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân nhưng “thấy công việc đó không phù hợp với bản thân, thiên nhiều về kỹ năng hơn là kiến thức chuyên môn mà mình đã học. Việc chính là tìm kiếm khách hàng để mở các tài khoản ngân hàng, thường xuyên phải đi lại rất nhiều, bất kể thời tiết. Gặp phải khách hàng tốt thì không sao, nhưng cũng có người luôn tìm cách lôi kéo mình đi uống nước, đi chơi với họ thì mới mở tài khoản” nên T đã quyết định  ra đi từ bỏ cơ hội.

Bà chủ quán trà đá Ngô Thị Phương T (Ảnh PLVN)

“Người ta cứ bảo cầm bằng giỏi thì dễ xin việc nhưng thực tế chưa chắc đã diễn ra như vậy!”, đó là kinh nghiệm xương máu mà T nhận thấy khi tấm bằng đỏ của T đã nhuốm đầy những giọt mồ hôi mặn chát.

Nhưng không ít người khi nhìn vào con đường ấy của T đã thẳng thắn: “Hầu hết những vị trí mà em muốn đều là những vị trí mà những người tốt nghiệp cùng chuyên ngành với em mơ ước. Và để chạm được đến nó đâu phải một sớm một chiều. Biết đâu khi em cố gắng thêm bằng quãng thời gian em đi bán trà đá ở ngân hàng trước đó thì em đã có thể ngồi ở một trong những vị trí ấy”.

Với kinh nghiệm “chạy bàn” của bản thân, anh Việt Tiến cũng thừa nhận: “4 năm ngồi trên ghế giảng khi đi làm chỉ là chân sai vặt nên ức chế là điều dễ hiểu. Nhưng chính những tháng làm chân “chạy bàn” ấy lại cho tôi những kinh nghiệm mà cả 4 năm trời bạn không bao giờ có được. Chấp nhận và điều gì cũng có giá trị đó là điều mà tôi nghiệm ra sau những tháng ngày vật lộn với tấm bằng cử nhân”.

Anh Hà Minh – Chuyên gia tâm lý cũng cho rằng: “Từ giảng đường bước vào cuộc sống không ít sinh viên gặp phải những cú sốc về tâm lý. Và quãng đường để thích nghi ngắn hay dài là do chính các bạn. Có thể nói khó khăn ban đầu đối với những tân cử nhân chính là kinh nghiệm. Tích lũy kinh nghiệm cũng có nhiều con đường và mỗi người lại có chấp nhận những thử thách. Hơn nữa, một tấm bằng tốt nghiệp đại học loại ưu luôn tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng nhưng chưa phải là điều quyết định thêm vào đó nhà tuyển dụng còn cần rất nhiều đến kỹ năng mền, tư duy và sự sáng tạo... Theo tôi việc quan trọng nhất với các bạn trẻ là sự tích lũy về mọi mặt. Cơ hội đều đến với mỗi người và quan trọng là bạn “nắm” và làm chủ cơ hội đó như thế nào.”.

Có được tấm bằng tốt nghiệp đại học như một vũ khí giúp sinh viên có thêm sức mạnh để bước vào cuộc sống mới đặc biệt khi đó là tấm bằng đỏ nhưng không ít người đã tự mình từ chối cơ hội cho chính mình…

“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng nhuốn đau vì những mũi gai” không ít tân cử nhân đã lấy đó là phương châm cho chính mình. Câu chuyện đằng sau những tấm bằng và công cuộc mưu sinh vẫn còn thấm đầy vị mặn của những giọt mồ hôi và nước mắt.

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT