Từ xa xưa, trong tác phẩm Chính trị, Aristotle cho rằng, về bản chất, con người là một động vật chính trị. Ông ta cho rằng luân thường và chính trị có liên kết chặt chẽ với nhau, và một đời sống thật sự đạo đức chỉ có thể có ở những người tham gia vào chính trị. Tuy vậy, hình thức "đúng" của nhà nước có thể biến thành một hình thức nhà nước "lệch lạc", nơi mà thể chế bị mục nát. Theo ông, chế độ quân chủ, có một người cai trị, sẽ biến thành chuyên chế; chế độ quý tộc, với một nhóm nhỏ người cai trị, sẽ thành ra chính thể đầu sỏ; và xã hội có tổ chức [polity] do nhiều người dân cùng cai trị thì sẽ biến thành chế độ dân chủ.*
Thế nhưng, phản đối quan điểm đạo đức truyền thống đối với người cầm quyền, Machiavelli, nhà khoa học Italia thời phục hưng, được xem là một trong những người sáng lập nền khoa học chính trị hiện đại, thì không có nền tảng đạo đức mà ở đó phân xử sự khác nhau giữa việc sử dụng quyền lực hợp pháp hay bất hợp pháp. Thuật ngữ Machiavellian [có nghĩa là xảo quyệt] ra đời, đề cập đến một người thiếu đạo đức dùng các cách mánh khóe để cố thủ quyền hành.**
Học thuyết của ông đã được các lãnh đạo học tập và thực hành kể cả những lãnh đạo chuyên chế toàn trị như Mussolini và Hitler, những người đã biện hộ cho việc hành động tàn bạo của mình là nhằm mục đích an toàn quốc gia.
Nhưng có lẽ quen thuộc hơn là luận điểm của Khổng Tử: "Chính trị là chính đính. Ông lãnh đạo dân một cách chính đính thì ai dám không chính đính".*** Luận điểm tuyệt vời này được đưa ra đã hơn 2000 năm khi Khổng Tử trả lời Quý Khang Tử hỏi về cách làm chính trị .
Nhưng thế nào là chính đính?
Lại xin được dẫn Khổng Tử cho gọn: Ai Công hỏi Khổng Tử: "Làm thế nào thì dân phục tòng". Khổng Tử đáp: "đề cử người ngay thẳng lên trên hạng cong queo thì dân phục tòng, đề cử người cong queo lên trên người ngay thẳng thì dân không phục tòng" ["Cử trực, thố chư uổng, tắc dân phục. Cử uổng thổ chư trực, tắc dân bất phục". Còn có thể hiểu câu này là "dùng người ngay thẳng, bỏ hết những người cong queo" vì chữ thố có nghĩa là bỏ, chữ chư là hết thảy. Phải lấy điều dân tin phục là điểm quy chiếu của sự xét đoán phẩm hạnh và tài năng của chính khách. Theo Khổng Tử, có được sự tin phục ấy thì sẽ có tất cả.
Trả lời Tử Cống về phép trị dân, Khổng Tử nói ba điều: "túc thực, túc binh, dân tín". Lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền. Tử Cống hỏi thêm: nếu bất đắc dĩ phải bỏ một, thì bỏ điều nào trước? Đáp: "bỏ binh bị". Lại hỏi: trong hai điều còn lại, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một nữa, thì thì bỏ điều nào trước? Đáp: bỏ lương thực. Bởi lẽ, "tự cổ giai hữu tử, dân vô tín bất lập", từ xưa vẫn có người chết, nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền đó phải đổ.
Mở rộng ý đó ra chính là: Ý dân là ý trời. Dân như nước. Chở thuyền là dân mà lật đổ thuyền cũng là dân. Đó là quy luật muôn đời. Cứ xem thân phận của Tổng thống Ben Ali ở Tuinisia và Tổng thống Mubarack ở Ai cập vừa rồi cũng đủ rõ! Mà cũng chẳng cần phải nói đến chuyện những chiếc ghế Tổng thống bị lật nhào, hãy chỉ gợi lên vài ba chuyện từ chức gần đây của những chính khách cỡ thấp hơn Tổng thống một tí, cũng hiểu ra được những cam go của người dấn thân vào con đường chính trị
Chẳng hạn như chuyện từ chức của bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara, thành viên đảng cầm quyền Dân chủ ở Nhật, một nhân vật có tài được cho là sẽ kế nhiệm ông Kan làm Thủ tướng Nhật. Lý do thật đơn giản vì từ năm 2005 ông đã nhận 250.000 yen từ một phụ nữ Hàn Quốc 72 tuổi. Bà này sống ở Nhật, nói tiếng Nhật và điều hành một nhà hàng tại Kyoto. Ngoài ra, bà cụ này biết ông Maehara từ hồi còn là một đứa trẻ. Tuy nhiên, với nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng từ bên ngoài vào nền chính trị trong nước, luật Nhật cấm chính trị gia nhận tiền của người nước ngoài. Và Maehara không biết mình đã phạm luật. Tại cuộc họp báo được truyền hình, ông Maehara đã xin lỗi người dân Nhật vì đã "khơi dậy sự hoài nghi về vấn đề liên quan tới quỹ chính trị của tôi, dù tôi đã quyết tâm theo đuổi tác phong chính trị sạch sẽ".
Với người có liêm sỉ, giữ cho đặng sự "sạch sẽ" ấy, thì như là hòn đá tảng đè nặng trên lương tâm của họ. Đương nhiên chỉ đối với người còn lương tâm! Chứ còn với những kẻ vô sỉ, nói theo ngôn ngữ hiện đại là đã "đứt giây thần kinh xấu hổ", thì chuyện ấy không đặt ra. Chính vì thế mà có những người từng là khai quốc công thần, được xem là một trong những nhân cách cao thượng nhất trong lịch sử là Nguyễn Trãi, phải lui về ẩn dật ở Côn Sơn để cho lương tâm được thanh thản! "Láng giềng một khóm mây bạc/ Khách khứa ba ngàn núi xanh"; rồi "Núi láng giềng, chim bầu bạn/ Mây khách khứa, nguyệt anh em".
Trong sử sách Phương Đông, loại người ẩn dật "cày lấy ruộng mà ăn, đào lấy giếng mà uống" này thường được xem là người thanh cao, vốn thông hiểu sâu sắc thời cuộc, lại nhuần nhị cái triết lý "mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích" [cái đầy gọi cái vơi, võng xuống thì được làm cho đầy trở lại]. Họ xa lánh con đường chính trị, không cam chịu "thân phận thần tử" đối với những triều đại suy vong, thối nát, không còn có "minh quân, lương tướng" mà chỉ rặt những phường "giá áo túi cơm". Xét đến cùng, đó cũng là một thái độ "chính trị". Vì, nếu "chính trị là chính đính" thì ai chính đính được bằng Nguyễn Trãi.
"Theo đuổi tác phong chính trị sạch sẽ" cũng không ai hơn Nguyễn Trãi, chẳng thế mà Lê Thánh Tông khẳng định "Ức Trai lòng dạ sáng như sao". Lý do bỏ chính sự mà lui về ở ẩn phải chăng là một minh chứng cho luận điểm của Aristotle nêu ở trên: hình thức "đúng" của nhà nước có thể biến thành một hình thức nhà nước "lệch lạc", "biến thành chuyên chế", "thành ra chính thể đầu sỏ". Một người "lòng dạ sáng như sao" như Nguyễn Trãi làm sao có thể đồng lõa với tội ác được. Cả một đời nuôi chí hướng "trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược, có nhân, có trí, có anh hùng", đeo đuổi chí lớn "bình sinh độc bão tiên ưu niệm", suốt đời ôm mãi lòng "lo trước", sự nghiệp lớn đến nhường ấy, thế mà có lúc lâm vào cảnh "triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải", để cuối cùng chịu cái họa tru di.
Chưa trẫm mình xuống sông Mịch La như Khuất Nguyên thì lui về Côn Sơn là một ứng xử chính trị có ý nghĩa như một thông điệp cho hậu thế. Hơn ai hết, Ức Trai tiên sinh hiểu sâu sắc quy luật thịnh suy mà trước ông gần năm trăm năm, thiền sư Vạn Hạnh đã chỉ ra "Nhậm vận thịnh suy vô bố úy. Thịnh suy như lộ thảo đầu phô [Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi. Vì thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ]. Một ứng xử lớn của một nhân cách lớn, minh chứng tiêu biểu của "chính trị là chính đính", quyết giữ cho được một "tác phong chính trị sạch sẽ"!
Không bị cái họa tru di như Ức Trai, song Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ cũng là một chính khách từng nếm trải đủ mọi oan khiên vì muốn giữ cho mình một "tác phong chính trị sạch sẽ"! Từng là một bậc kinh bang tế thế, một danh tướng cầm quân dẹp cường khấu ở Lạng Sơn, bắt Phiên tặc ở thành Trấn Tây, trừ Hải tặc ở ngoài Đông Hải, cũng là người chỉ huy công cuộc lấn biển mở đất ở Kim Sơn Tiền Hải, đắp đê ngăn mặn ở Hải Dương vùng châu thổ Sông Hồng, rồi khơi dòng Mê kông ở Long Xuyên vùng đồng bằng sông Cửu Long...Chính là người dám "lầy chính đạo" để chống tham nhũng giữa triều đình đúng như tâm nguyện của ông "Trong lăng miếu ra tài lương đống, Ngoài biên thùy rạch mũi can tương". Vậy mà vị "chính khách" ấy từng năm lần bị cách chức, giáng chức, có lần lĩnh án "trảm giam hậu", có lần bị cách tuột làm lính trơn. Năm 70 tuổi ông về hưu với hai bàn tay trắng, Trước khi mất, đã lập di chúc để lại, từ chối mọi lễ nghi của triều đình, quan tước, dặn chôn ngay nơi huyệt đã đào sẵn dưới chõng tre, dựng cho mình một tấm bia không chữ, trồng bên mộ một cây thông. Nỗi bi phẫn chỉ muốn "làm cây thông đứng giữa trời mà reo" đâu chỉ là nỗi bi phẫn của một đời người quyết giữ cho được "chính trị là chính đính"!
Vậy thì, nếu "lịch sử một nền văn minh là sự tìm tòi trong những tọa độ cũ, những tọa độ mà ngày nay vẫn còn giá trị" [Fernand Braudel] thì việc gợi lại những hình ảnh trên chính là để tìm lại những giá trị từ "những tọa độ cũ" của lịch sử nhằm lắng nghe và suy ngẫm về những thông điệp của ông cha đặng mà ký gửi những kỳ vọng đối với những chính khách hôm nay.
________________
* Aristotle's views on politics at the Stanford Encyclopedia of Philosophy
** Machiavelli, Niccolò, The Prince, Editor's Introduction by Angelo Codevilla, page xvii. Yale University Press, 1997.
Đều dẫn lại theo Wikipedia
*** Xem thêm bài viết "Làm chính khách khó" đăng trên báo Đại Đoàn Kết ra ngày 21.7.2011,ngày khai mạc QH khóa XIII .Các trích dẫn Khổng Tử đều lấy từ "Luận Ngữ", ở Thiên, "Nhan Uyên" và Thiên "Vi chính".
Theo GS Tương Lai - TVN
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT